Việc học Tiếng Anh nói chung và học từ vựng nói riêng từ lâu đã trở thành một nhu cầu của rất nhiều tầng lớp lao động và lĩnh vực lao động của xã hội.
Có rất nhiều cách thức khác nhau để có thể thành công trong việc nâng cao vốn từ và cải thiện các kỹ năng ngôn ngữ của học viên. Tuy nhiên, không phải mọi đối tượng học viên đều có thể chia sẻ chung một hình thức học tập giống nhau để có những kết quả giống nhau.
Bản thân tác giả của bài viết này cũng đã từng thử nghiệm với rất nhiều cách học khác nhau cho những kỹ năng khác nhau, và phát hiện ra rằng, có những phương pháp hiệu quả giúp bạn có thể học từ vựng Tiếng Anh dễ dàng mà không cần ghi chép.
Mục Lục Trong Bài Viết
- 1 Phương pháp hay giúp học từ vựng Tiếng Anh không cần ghi chép
- 1.1 Thứ nhất – tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn
- 1.2 Thứ hai – lắng nghe trước khi sử dụng
- 1.3 Thứ ba – học cả câu ví dụ chứa đựng một từ vựng
- 1.4 Thứ tư – xem phim nói Tiếng Anh có phụ đề Tiếng Anh
- 1.5 Thứ năm – thử sức với trò chơi tìm đồ vật
- 1.6 Thứ sáu – ô chữ Tiếng Anh
- 1.7 Thứ bảy – kể chuyện
- 1.8 Thứ tám – học về câu chuyện của chính mục từ đó
- 2 Chia sẻ những kỹ năng học từ vựng tiếng Anh của người thành công
Phương pháp hay giúp học từ vựng Tiếng Anh không cần ghi chép
Thứ nhất – tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn
Sau khi đã mày mò tự học từ vựng bằng cách đọc mọi thứ mình có thể tìm được bằng Tiếng Anh, tôi nhận ra đó chưa bao giờ là một khởi đầu đúng đắn. Tôi đã không học theo một trình tự hợp lý và đã không hiểu được tường tận quá trình mà một ngôn ngữ đi vào cuộc sống.
May mắn thay, vào lúc đó tôi đang là sinh viên khoa chuyên Anh của một trường Đại Học, và tôi đã nhanh chóng trở lại với cuộc sống giảng đường của một sinh viên chăm chỉ, đi học đầy đủ, nghe giảng chăm chú, và đặt câu hỏi cho mọi vấn đề thắc mắc – mà cách học từ vựng là một trong những câu hỏi đầu tiên tôi dành cho giảng viên của mình.
Và tôi hiểu rằng, phương pháp học tập đúng đắn chỉ có thể được đúc kết trên nền tảng của kiến thức chuyên môn và quá trình thực tập khổ công.
Có một số bạn trẻ đã có được phương pháp học tập đúng đắn bằng cách đọc sách báo chuyên ngành, tham gia các khóa học chuyên biệt ngắn hạn, theo dõi các diễn đàn học thuật có uy tín,…….
Miễn là bạn đừng tự mình bắt đầu quá trình học một cách mù mờ về phương pháp và bỏ qua mọi vấn đề chuyên môn cần thiết, bạn sẽ tìm ra được con đường để chinh phục mọi vấn đề về Anh Ngữ.
Thứ hai – lắng nghe trước khi sử dụng
Tôi có rất nhiều từ điển Tiếng Anh, và một số phần mềm từ điển điện tử các loại, và đã quyết định tập trung vào luyện phát âm và từ vựng với các phần mềm từ điển điện tử và các trang từ điển trực tuyến có uy tín.
Tôi nhập từ vựng cần học vào khung tìm kiếm, lựa chọn nút phát âm và lắng nghe khi từ vựng đó được người bản xứ đọc lên.
Tôi cứ lắng nghe như vậy nhiều lần và cố gắng lặp lại cho đến khi mình có cách phát âm tương tự. Bằng cách này, tôi học được cách phát âm từ mới và cách phân biệt được sự khác biệt giữa các giọng đọc khác nhau.
Thứ ba – học cả câu ví dụ chứa đựng một từ vựng
Tôi luôn luôn nhớ một từ vựng lâu hơn khi tôi nhớ về nó trong cả một câu văn có đầy đủ ý nghĩa và ngữ cảnh. Tôi cố gắng tìm kiếm thật nhiều ví dụ cho một từ vựng và cố gắng hiểu được ý nghĩa cho cả một câu văn mà không chỉ một vài từ vựng đơn lẻ. Tôi lặp đi lặp lại cả câu và nhận ra cách diễn đạt của mình được cải thiện rất nhiều.
Thứ tư – xem phim nói Tiếng Anh có phụ đề Tiếng Anh
Khi được gợi ý hãy xem phim có phụ đề bằng Tiếng Anh, tôi đã do dự rất lâu. Không ai thích phải phân tâm cho việc chạy theo những dòng chữ chi chít dưới màn hình trong khi tình tiết của phim thì thay đổi hàng chục lần mỗi phút.
Nhưng rồi tôi đã thử, và tôi cảm thấy công sức đó là xứng đáng. Một bộ phim được xem theo cách đó thường tôi phải xem đi xem lại ít nhất 2 lần mới nắm bắt được toàn bộ câu chuyện. Nhưng nó giúp tôi có được nhiều từ vựng mới nhanh hơn bất cứ cách nào khác.
Xem phim có phụ đề, tôi nghe được cách mỗi từ được phát âm, cách người ta dùng chúng trong mỗi tình huống khác nhau, dưới những sự kết hợp khác nhau của từ loại và các từ đồng nghĩa. Và cả quá trình diễn viên sử dụng cử chỉ hoặc biểu cảm gương mặt cũng rất ấn tượng.
Thứ năm – thử sức với trò chơi tìm đồ vật
Tôi làm quen với những trò chơi “Hidden Object Game” rất tình cờ, sau khi giúp một người bạn vượt qua một màn khó. Và tôi vẫn luôn yêu thích chúng từ đó đến nay.
Về cơ bản, hệ thống sẽ cho mình một khung cảnh cụ thể có sự xuất hiện của rất nhiều những vật thể khác nhau, được sắp xếp hỗn độn nhằm che giấu lẫn nhau. Sau đó, bạn sẽ phải rê chuột vào đúng vị trí của những món đồ vật mà hệ thống yêu cầu trong một danh sách hiện lên bên cạnh màn hình.
Chơi trò chơi này, vốn từ vựng của tôi, đặc biệt là từ vựng về đồ vật, tăng lên rõ rệt. Và tôi còn có thể liên tưởng đến đồ vật và hình ảnh của nó sau mỗi lần hoàn thành một danh sách nào đó.
Trò chơi này sẽ phá vỡ mọi quy ước của bạn về hình ảnh mà những đồ vật quen thuộc quanh ta nên có. Sau khi vất vả tìm ra chúng dưới những cách ngụy trang tinh vi, ấn tượng về chúng sẽ giúp bạn nhớ đến từ vựng này lâu thật lâu.
Thứ sáu – ô chữ Tiếng Anh
Đây là một trò chơi cao cấp và khó khăn hơn nhiều so với trò chơi kể trên, vì rằng nó không cho ta những hình ảnh rực rõ bắt mắt, mà nội dung lại phong phú bao gồm mọi từ loại (chứ không chỉ danh từ), và mọi nội dung (không chỉ gọi tên đồ vật).
Để hoàn thành những ô chữ này, bạn cần hiểu được định nghĩa của mỗi từ gợi ý, nắm được chính tả của chữ viết đó, và còn phải tìm ra mối liên hệ giữa các từ với nhau.
Bù lại, niềm vui và kiến thức mà tôi thu được sau mỗi lần chơi là rất lớn. Tôi còn nhớ đã cùng với những người bạn của mình tự tạo nên những ô chữ giống như vậy cho chính bản thân. Và lần này thì kiến thức còn được ghi nhớ lâu hơn nữa.
Thứ bảy – kể chuyện
Một trong những cách liên kết và xâu chuỗi từ vựng mà tôi thích nhất là kể chuyện. Khi kể chuyện, tôi thường yêu cầu bản thân dùng một mục từ làm chủ đề và cố gắng dẫn dắt câu chuyện xung quanh ý nghĩa của mục từ đó, trong khi phải đảm bảo rằng mình sử dụng được càng nhiều từ vựng càng tốt.
Những câu chuyện tôi làm thường không dài, nhưng có chủ đích và thường yêu cầu số lượng từ vựng tương đối cho một chủ đề riêng biệt. Điều này giúp tôi nhớ từ vựng theo nhóm ý nghĩa chung và dễ dàng sử dụng chúng hơn.
Thứ tám – học về câu chuyện của chính mục từ đó
Tôi đặc biệt yêu thích việc tìm hiểu vì sao những từ vựng được sử dụng để gọi tên những sự vật, hiện tượng. Những câu chuyện này cso thể có tuổi tác rất khác nhau – vài năm, hoặc hàng ngàn năm – nhưng tất cả đều mang một tầm vóc lịch sử và có tính đại diện xã hội rất cao.
Bạn có biết rằng tên gọi của 12 tháng trong năm có ý nghĩa riêng và lịch sử riêng hay không? Và tại sao người ta gọi “ngân hàng” là “bank” hay không? Khi học những yếu tố này, từ vựng của bạn không chỉ là những con chữ vô hồn mà còn là những câu chuyện, những con người, và những nét văn hóa ngủ yên hàng trăm ngàn năm qua.
Trên đây là câu chuyện của tôi về việc học từ vựng Tiếng Anh hiệu quả mà không cần ghi chép. Còn câu chuyện của bạn thì sao?
Chia sẻ những kỹ năng học từ vựng tiếng Anh của người thành công
- Top 10 kỹ năng học từ vựng tiếng anh dễ dàng và nhớ lâu của tôi
- Hỏi làm sao học từ vựng tiếng anh nhanh thuộc và hiệu quả mọi lứa tuổi
- Top 10 cách học tiếng anh hiệu quả tại nhà cho sinh viên